Thân Hữu Đồng Công - Hải Ngoại

Giáo Hội Hiện Thế: Thời khoảng 4-6/3/2024

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa, 

Vào thời điểm Chiến Tranh Vùng Vịnh Gulf War 1991, khi Hoa Kỳ (thời tổng thống Bush bố) tấn công Iraq,

bé tĩnh đã xin gia đình cầu nguyện vào giờ kinh tối hôm ấy cho hòa bình thế giới ở Vùng Vịnh bấy giờ,

không ngờ đứa con trai thứ 2 trong 3 đứa, bấy giờ mới hơn 5 tuổi, một đứa nhỏ có những ý nghĩ rất khác lạ vào lứa tuổi khi chưa lên 3 của cháu,

chẳng hạn cháu đã bất ngờ hỏi bố sau khi nghe bố kêu gọi gia đình cầu nguyện cho hòa bình rằng: "Bố, thế giới có hòa bình không?"

Tất nhiên, bé tính phải trả lời cho con mình theo tầm mức cháu có thể hiểu được: "Bố nghĩ rằng không...!"

Câu trả lời của người bố đã biến thành câu chất vấn có tính chất khẳng định của đứa bé 5 tuổi: "Vậy thì cầu nguyện cho hòa bình làm gì bố!"

Vâng, thực tế cho thấy, Nhóm TĐCTT (Tông Đồ Chúa Tình Thương) đã liên tục cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine từ trước khi xẩy ra chiến nạn,

mà còn cầu hằng ngày, cho đến khi hết chiến tranh, bằng chính Kinh Nguyện của ĐTC Phanxicô dâng Nga và Ukraine cho Đức Mẹ ngày 25/3/2022.

Thực tế cho thấy, càng cầu nguyện cho hòa bình thì càng chiến tranh, như cuộc chiến ở Dải Gaza từ ngày 7/10/2023 tới nay đã gần 5 tháng rồi.

Như thế thì chẳng lẽ lời của đứa bé trai 5 tuổi trước giờ kinh tối của gia đình năm 1991 càng ứng nghiệm: "Vậy thì cầu nguyện cho hòa bình làm gì!"

Tuy nhiên, cầu nguyện cho hòa bình thế giới không phải chỉ để hết chiến tranh - ở Hoa Kỳ không chiến tranh lại chết không biết lúc nào bởi bạo lực súng đạn.

Cầu nguyện cho hòa bình là cầu cho lòng người, nguồn gốc xuất phát mọi thứ chiến tranh và tàn sát, được hoán cải "trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24).

Chỉ khi nào con người sống "trong tinh thần và chân lý", họ mới cảm nghiệm được thứ "bình an Thày ban cho các con, không phải như thế gian ban" (Gioan 14:27),

ở chỗ, thế gian chỉ ban cho con người thứ bình an không có chiến tranh, nhưng lại là thứ bình an tiền vào Chúa ra, thứ bình an hiện sinh hưởng thụ duy vật vô thần,

thứ bình an chất chứa toàn là những mầm mống của chiến tranh, ngay khi xã hội loài người không xẩy ra chiến tranh như ở Ukraine hay Dải Gaza bây giờ,

trái lại, thứ bình an đích thực được Chúa Kitô ban cho là thứ bình an Vượt Qua khổ nạn và chết chóc, một thứ bình an giữa đau khổ và biến chết chóc thành sự sống.

Trong cuộc Vượt Qua của dân Do Thái, chính Thiên Chúa toàn năng đã tỏ ý muốn cứu dân của Ngài, nhưng vẫn cứ để cho vua Pharao cứng lòng

chỉ vì Ngài muốn tỏ vinh quang của Ngài ra khiến cho cả Dân Do Thái lẫn dân Ai Cập đều nhận biết Ngài mà được cứu độ (xem Xuất Hành 10:27; 14:4,25,31). 

Với niềm xác tín vào mạc khải Thánh Kinh và tuyệt đối tin vào Vị Chủ Tể Lịch Sử loài người đang tỏ vinh quang của Ngài ra nơi thế giới cần đến LTXC biết bao hiện nay,

chúng ta tiếp tục hiệp thông nguyện cầu và theo dõi tình hình Giáo Hội Hiện Thế trong 3 ngày qua ở những đường kết nối tùy nghi sau đây:

bé tĩnh

GIÁO HỘI

Tiếp kiến chung thứ Tư 6/3/2024: Chống lại thói kiêu ngạo bằng tính khiêm nhường

ĐTC cử hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa” tại Gx Thánh Piô V ở Roma

 ĐTC Phanxicô nói với trẻ em: Thay đổi thế giới bắt đầu từ lời chào hỏi, xin phép, xin lỗi và cảm ơn

57 ngàn trẻ em từ 60 quốc gia đã đăng ký tham dự Ngày Thế giới Trẻ em lần I

 Kinh Truyền Tin (3/3): Đền thờ - nơi gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em

Phản ứng của các Giám mục Pháp về việc nước này đưa "quyền" phá thai vào Hiến pháp

Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống: Không thể có một “quyền” tước đi sự sống con

Toà Thánh kêu gọi giám sát đạo đức đối với vũ khí tự động

Tâm linh và nhận thức đức tin đang gia tăng trong giới trẻ

Trong tháng Hai, 3 nhà thờ ở Mozambique bị chiến binh Hồi giáo đốt cháy

Nhà hàng “Huynh đệ” ở Ai Cập, dấu hiệu tình liên đới của Tuyên bố Abu Dhabi

Ơn gọi linh mục của cựu cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp Luka Klarica

Tín hữu Philippines vui mừng về án phong thánh cho giáo lý viên Laureana “Ka Luring”

Giáo hội Tây Ban Nha có 150 linh mục truyền giáo trong năm 2023

Các Giám mục Hàn Quốc: Lợi ích của bệnh nhân phải đặt lên hàng đầu

Giáo hội Pakistan chào mừng việc nâng tuổi tối thiểu cho hôn nhân Kitô giáo

Dự án của Quỹ Dàn nhạc Trẻ Thế giới vì trẻ em Việt Nam

ĐHY Pizzaballa: Lệnh ngừng bắn ở Gaza cấp bách hơn bao giờ hết

Phụ nữ các tôn giáo kêu gọi một nền văn hoá hoà bình cho thế giới

Bạo lực mới nhất ở Haiti: Bệnh viện Công giáo bị tấn công

Các Giám mục Mexico cảnh báo việc can thiệp bầu cử bằng bạo lực

HIỆN THẾ

Nga quyết "chơi rắn" để thúc đẩy chiến thắng, Ukraine đáp trả

Chiến sự Ukraine 6/3: Ukraine và Nga "ăn miếng trả miếng"

Ông Zelensky: Thế giới sẽ phải 'hổ thẹn' nếu không hỗ trợ Ukraine

Nước Nga của Putin nay đã trở thành chư hầu của Trung Quốc?

Triều Tiên cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân từ tập trận Mỹ - Hàn

Pháp trở thành quốc gia đầu tiên đưa quyền phá thai vào Hiến pháp 

Ma túy, bệnh tật khiến người vô gia cư ở Mỹ tử vong tăng đáng báo động

Nghiên cứu mới: Covid-19 có thể làm giảm chỉ số IQ (thông minh)

Người đàn ông tiêm hơn 200 mũi vắc xin COVID-19 vì 'anh ấy rất thích làm việc này'

Bắc Cực không băng sắp trở thành sự thật?Ấn Độ khai trương tàu điện ngầm dưới nước

Lễ khai giảng chỉ có một học sinh

Tỷ phú Bill Gates bất ngờ đến Việt Nam du lịch Đà Nẵng và Hội An

Bắt cóc và ép nhận tội: Thủ đoạn của CSVN hiện nay

Bầu cử 2024 và các ứng cử viên gốc Việt ở California

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội hàng đầu thế giới

Nắng nóng hoành hành miền Nam Việt Nam, xâm nhập mặn tăng


Tiếp kiến chung thứ Tư 6/3: Chống lại thói kiêu ngạo bằng tính khiêm nhường

Theo Đức Thánh Cha, khiêm nhường chính là phương thuốc chữa trị thói kiêu ngạo. Trong bài ca Magnificat, Mẹ Maria hát về Thiên Chúa, Đấng hạ thấp kẻ kiêu ngạo và nâng cao kẻ hèn mọn. Khi viết cho cộng đoàn đang bị tổn thương bởi sự đấu đá nội bộ do lòng kiêu ngạo gây ra, Thánh Tông đồ Giacôbê lặp lại câu nói này: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4,6).

Vatican News 

Sáng thứ Tư ngày 6/3/2024, trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã nói về thói xấu kiêu ngạo, tội đầu tiên trong số các mối tội đầu và, đối với các tác giả cổ xưa, là “nữ hoàng của mọi thói xấu”. Đức Thánh Cha nói rằng ẩn giấu trong tội kiêu ngạo là một tội còn lớn hơn: tự xưng cách phi lý rằng mình giống như Thiên Chúa. Kiêu ngạo khiến con người xa rời Thiên Chúa và hủy hoại các mối quan hệ giữa con người với nhau.

Theo Đức Thánh Cha, khiêm nhường chính là phương thuốc chữa trị thói kiêu ngạo. Do đó, Đức Thánh Cha mong ước Mùa Chay này là cơ hội để các tín hữu chiến thắng tính kiêu ngạo và đón nhận sự khiêm nhường, theo gương Mẹ Maria và Thánh Giuse, để chúng ta có thể đến gần Chúa hơn và nhận được ân sủng dồi dào của Người.

Sau khi Đức Thánh Cha làm Dấu Thánh Giá và chúc bình an cho cộng đoàn, đoạn sách Huấn ca (10,7.9.12.14) đã được đọc bằng các ngôn ngữ Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ả Rập và Ba Lan:

Đức Chúa và người phàm đều chê ghét tính kiêu căng...
Làm sao tro bụi lại dám kiêu căng?...
Con người bắt đầu kiêu căng khi lìa xa Đức Chúa,
khi lòng nó lìa xa Đấng Tạo Thành...
Đức Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
và đặt kẻ hiền lành ngồi lên thay.

Do Đức Thánh Cha vẫn còn bị cảm nên Đức ông Pierluigi Giroli đã đọc bài giáo lý thay cho ngài.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong loạt bài giáo lý về các thói xấu và nhân đức, hôm nay chúng ta nói đến thói xấu cuối cùng: thói kiêu ngạo. Người Hy Lạp cổ xưa đã định nghĩa nó bằng một từ có thể dịch là “sự huy hoàng lộng lẫy thái quá”. Thực ra, kiêu ngạo là tự đề cao mình, tự phụ, phù phiếm. Thuật ngữ này cũng xuất hiện trong hàng loạt thói xấu mà Chúa Giêsu liệt kê để giải thích rằng sự ác luôn xuất phát từ trái tim con người (xem Mc 7,22). Người kiêu ngạo là người nghĩ rằng mình giỏi hơn nhiều so với thực tế; một người nôn nóng muốn được thừa nhận giỏi hơn người khác, luôn muốn công lao của mình được công nhận và coi thường người khác, cho rằng họ thấp kém hơn mình.

Thói kiêu ngạo: mối tội đầu

Từ sự mô tả đầu tiên này, chúng ta thấy thói xấu kiêu ngạo rất gần với thói háo danh mà chúng ta đã trình bày lần trước. Tuy nhiên, nếu thói háo danh là một căn bệnh của cái tôi của con người, thì nó vẫn là một căn bệnh non nớt nếu so với sự tàn phá mà thói kiêu ngạo có thể gây ra. Khi phân tích sự ngu dại của con người, các đan sĩ thời cổ xưa đã nhận ra một trật tự nhất định trong chuỗi các tệ nạn: chúng ta bắt đầu bằng những tội lỗi rõ ràng nhất, chẳng hạn như thói háu ăn, và đến những con quái vật đáng lo ngại nhất. Thói kiêu ngạo là nữ hoàng của mọi thói xấu. Không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm Thần khúc, thi sĩ Dante đặt nó ngay ở tầng đầu tiên của luyện ngục: ai nhượng bộ thói xấu này là xa rời Chúa, và việc sửa đổi thói xấu này đòi hỏi thời gian và công sức, hơn bất kỳ cuộc chiến nào khác mà Kitô hữu được kêu gọi để chống lại.

Tội lỗi gốc rễ của thói kiêu ngạo: tự xưng cách phi lý rằng mình giống như Thiên Chúa

Trên thực tế, bên trong thói xấu này ẩn chứa tội lỗi gốc rễ, đó là tự xưng cách phi lý rằng mình giống như Thiên Chúa. Tội lỗi của tổ phụ chúng ta, được kể trong sách Sáng Thế, xét về mọi mặt đều là tội kiêu ngạo. Kẻ cám dỗ nói với họ: “Khi ông bà ăn nó, mắt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ trở nên giống Thiên Chúa” (St 3,5). Các tác giả tu đức đặc biệt chú ý đến việc mô tả những hậu quả của tính kiêu ngạo trong cuộc sống hàng ngày, minh họa việc nó hủy hoại các mối quan hệ giữa con người với nhau như thế nào, nêu bật cách mà sự ác này đầu độc tình huynh đệ vốn dĩ phải đoàn kết con người với nhau.

Người kiêu ngạo thì kiêu căng, xét đoán người khác cách khinh miệt

Sau đây là danh sách dài các triệu chứng cho thấy một người đang sa vào thói xấu kiêu ngạo. Đó là một thói xấu có biểu hiện rõ rệt: kẻ kiêu ngạo thì kiêu căng, “cứng cổ”, tức là cổ cứng, không cúi xuống. Anh ta là một người có xu hướng phán xét khinh miệt: anh ta đưa ra những phán xét không thể thay đổi đối với những người khác mà chẳng vì lý do gì, những người mà đối với anh ta dường như là những kẻ kém cỏi và không có khả năng. Trong sự kiêu ngạo của mình, anh ta quên rằng trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rất ít giới luật đạo đức, nhưng Người không khoan nhượng về một trong số đó: đừng bao giờ phán xét. Bạn nhận ra rằng bạn đang đối mặt với một người kiêu ngạo khi đưa ra cho anh ta một lời phê bình nhỏ mang tính xây dựng hoặc một lời nhận xét hoàn toàn vô hại, anh ta phản ứng một cách cường điệu, như thể ai đó đã xúc phạm đến sự tôn kính của anh ta: anh ta nổi cơn thịnh nộ, la hét, cắt đứt mối quan hệ với người khác một cách bực bội.

“Sự kiêu hãnh đi đến bằng ngựa và đi bộ trở về”

Chúng ta không thể làm được gì nhiều với một người mắc thói kiêu ngạo. Không thể nói chuyện với họ, càng không thể sửa sai cho họ, bởi vì cốt yếu họ không còn là họ nữa. Đối với họ bạn chỉ có cách kiên nhẫn, vì một ngày nào đó tòa nhà của họ sẽ sụp đổ. Tục ngữ Ý có câu: “Sự kiêu hãnh đi đến bằng ngựa và đi bộ trở về”. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp nhiều người kiêu ngạo, và Người thường vạch trần thói xấu này ngay cả với những người giấu kín rất giỏi. Thánh Phêrô phô trương lòng trung thành tín trung của mình: “Ngay cả khi mọi người bỏ rơi Thầy, con cũng sẽ không!” (xem Mt 26,33). Ngược lại, Phêrô sẽ sớm giống như những người khác; chính ngài cũng quá sợ hãi khi đối mặt với cái chết điều mà ngài không tưởng tượng được lại có thể gần đến vậy. Và thế là Phêrô thứ hai, người không còn hếch cằm lên nhưng là người khóc những giọt nước mắt mặn đắng, sẽ được Chúa Giêsu chữa lành và cuối cùng sẽ đủ sức gánh vác gánh nặng của Giáo hội. Trước đây Phêrô phô trương một sự kiêu ngạo mà lẽ ra là không nên phô trương; giờ đây, ngài là một người môn đệ trung thành mà như dụ ngôn nói, ông chủ có thể giao “quản lý mọi tài sản của mình" (Lc 12,44).

Khiêm nhường: phương thuốc thực sự cho mọi hành vi kiêu ngạo

Ơn cứu độ đến từ sự khiêm nhường, phương thuốc thực sự cho mọi hành vi kiêu ngạo. Trong bài ca Magnificat, Đức Maria hát về Thiên Chúa, Đấng bằng quyền năng của Người dẹp tan những kẻ kiêu ngạo lòng trí kiêu căng. Thật là vô ích khi lấy trộm một điều gì đó từ Chúa, như những kẻ kiêu ngạo hy vọng, bởi vì cuối cùng thì Người muốn ban cho chúng ta mọi thứ. Vì lý do này, Thánh Tông đồ Giacôbê đã viết cho cộng đoàn của ngài, bị tổn thương bởi những cuộc đấu tranh nội bộ do thói kiêu ngạo, rằng: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân sủng cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4,6).

Vì thế, anh chị em thân mến, chúng ta hãy tận dụng Mùa Chay này để chiến đấu chống lại tính kiêu ngạo của mình.

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.